Giới thiệu sách tháng 11/2024
"Thơ một thời bụi phấn"
Kính chào quý thầy, cô giáo và các em học sinh thân mến!
"Tôn sư trọng đạo" là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta từ xưa đến nay. Tình cảm thiêng liêng dành cho những người thầy, người cô luôn tồn tại trong mỗi thế hệ học sinh chúng ta và Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 chính là dịp quan trọng nhất để thể hiện và bày tỏ lòng mình.
Đó là ngày Hội của các thầy, các cô; ngày mà các thầy, cô có dịp nhìn lại thành quả do công sức khó nhọc của mình bỏ ra, ngắm những "cây xanh" do chính tay mình "ươm mầm" và chăm sóc, là ngày mà vẻ đẹp của các “kĩ sư tâm hồn” được tôn vinh.
Đề tài người thầy không phải là một đề tài mới lạ nhưng nó vẫn luôn dành được sự quan tâm, yêu mến của độc giả, luôn khơi gợi nhiều cảm hứng sáng tác cho nhiều đối tượng xã hội
Ai trong chúng ta cũng có một khoảng thời gian cắp sách tới trường, nơi đó đã có biết bao nhiêu kỉ niệm đẹp, buồn vui tuổi học trò và là quãng thời gian quan trọng nhất của cuộc đời để thu lượm những tri thức của nhân loại cũng như kinh nghiệm sống cho mình trong tương lai. Mái trường mến yêu chính là nơi mà biết bao nhiêu thầy cô đã dành hết nhiệt huyết của mình để dạy dỗ, chỉ bảo bao lớp học trò tinh nghịch nên người. Mỗi chúng ta, chắc chắn ai cũng nghĩ về các thầy cô của mình trong ngày 20/11 và cầu chúc cho các thầy giáo, cô giáo luôn luôn được mạnh khỏe để tiếp tục công việc trồng người.
Từ Mầm non đến Đại học, từ nhà trường đến xã hội, trong mỗi một chúng ta ai lại không có những kỉ niệm sâu sắc về người thầy. Thầy dạy chữ, thầy dạy nghề, thầy dạy văn hóa, thầy dạy làm người... với cha mẹ - ta mang ơn sinh thành, với thầy cô - ta mang ơn dưỡng dục.
Nhân dân ta có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Dưới góc nhìn của xã hội, nhà trường và gia đình thì người thầy đại diện cho nhà trường và luôn ở vị trí trung tâm. Nhận thức rõ được vai trò của mình trong xã hội , hầu hết những người thầy dù có khó khăn đến mấy cũng giữ nếp sống thanh cao, tận tụy truyền đạo học cho đời. Ngày nay, có người cho rằng do sự bùng nổ công nghệ thông tin, hàng loạt phương tiện kĩ thuật ra đời, hỗ trợ đắc lực cho viêc dạy học thì vị trí của người thầy lui dần xuống hàng thứ yếu, hay ít ra người thầy không còn giữ vai trò quyết định then chốt trong nhà trường như trước đây nữa. Thế nhưng các nhà khoa học dựa trên những dữ liệu nghiên cứu về hơn 50 triệu học sinh mọi lứa tuổi và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã đi đến kết luận: ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin thì vai trò quyết định đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người thầy .
Người xưa có nói “Một chữ cũng là thầy”, thì giờ đây thầy cô theo ta suốt cấp học, luôn nâng đỡ, dìu dắt cho ta vững bước vào đời. Công ơn của thầy, cô sâu đậm biết bao! Là những người thầy ngay từ những ngày đầu bước lên bục giảng cho đến lúc phủi bụi phấn nghỉ ngơi, có biết bao niềm vui, nỗi nhớ. Một chút trăn trở của thầy , cô lớp trước sẽ giúp những người đi sau tránh được bao vấp váp, băn khoăn. Và những mẩu chuyện vui trong nghề sẽ giúp những đồng nghiệp trẻ tự tin bước tiếp.
Có lẽ không một ngành nào có liên quan đến toàn xã hội như ngành giáo dục, bởi từ lúc trẻ đến lúc già ít người, nhiều người ai cũng phải qua các trường học. Nếu như ai đó có số phận hẩm hiu, không được cắp sách tới trường thì thế nào con em của họ cũng sẽ được đi học. Cho nên, thời nào cũng thế, người thầy có một vị trí xã hội quan trọng và một vị trí tình cảm đẹp đẽ trong lòng người.
Trước những khó nhọc của học trò, người thầy biết trách nhiệm của mình rất nặng nề, để giữ vững được vị trí của mình, người thầy có lúc cũng phải cố gắng vượt qua những khó khăn trong đời sống, đối mặt với “cơm áo” mà vẫn phải bằng mọi giá giữ gìn nhân cách. Mỗi giáo viên đều ghi lòng tạc dạ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt học tốt. Nhiều người coi thầy cô cũng như ông lái đò đưa khách đến muôn nơi còn mình ở lại nguyên bến cũ. Sự so sánh ấy chỉ đúng một phần. Bởi lẽ ông lái đò trên sông không cần biết khách là ai, còn thầy cô giáo lại lấy sự trưởng thành của học trò làm mục đích sống, hóa thân vào từng em, chăm chút cho từng lớp lớp học trò.
Đất nước đổi mới, ngành giáo dục ngày càng được quan tâm, đời sống của giáo viên ngày càng được cải thiện làm bệ phóng cho đất nước cất cánh. Ngành giáo dục nhận trách nhiệm nặng nề mà cũng hết sức vẻ vang trước nhân dân, tổ quốc. Và những bước đi lên, những bước chuyển mình ấy không thể thiếu sự tiếp sức của văn chương, thơ ca.
Nhân dịp chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, thư viện trường THCS An Đức trân trọng giới thiệu tới toàn thể quý thầy, cô giáo và các em học sinh tập thơ " Một thời bụi phấn" do Hội cựu giáo chức tỉnh Hải Dương phát hành.
Đây là tập hợp sáng tác của các nhà giáo Hải Dương qua các thời kỳ. Trong số họ, có người nay đã nghỉ hưu, có người chuyển công tác khác nhưng phần đông là những người hiện đang đứng trên bục giảng hoặc làm công tác quản lý giáo dục.
Các tác giả họp mặt trong tập thơ này có người mới chỉ có một vài bài thơ đăng trên báo chí trung ương hoặc địa phương nhưng cũng có người đã xuất bản tới ba, bốn tập thơ và đã thành danh trên văn đàn. Do vậy mà bạn đọc chắc chắn sẽ nhận thấy sự không đồng đều về “tay nghề” trong các sáng tác của họ. Nhưng điều đó không đáng ngại vì mục đích ra đời của tập thơ là nhằm động viên phong trào sáng tác thơ văn trong giáo giới, góp phần xây dựng đời sống văn hóa học đường vui tươi, lành mạnh.
Các em học sinh thân mến!
Người ta thường nói rằng Văn học là nhân học. Các em tiếp xúc với các bài thơ bài văn cũng là một cách để các em nuôi dưỡng tâm hồn, tư tưởng, tình cảm, tình yêu quê hương đất nước, gần hơn nữa là tình yêu thương gia đình, yêu bạn bè, yêu thầy cô.
Hy vọng rằng tập thơ " Một thời bụi phấn" sẽ đem lại cho bạn đọc những vần thơ hay với nhiều cảm xúc!
Xin chân thành cảm ơn!
An Đức, ngày 05 tháng 11 năm 2024
Duyệt của tổ trưởng Người giới thiệu
Đoàn Thị Hoa Nguyễn Công Chuẩn